anh tin bai
 



image advertisement

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
NHỮNG TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ LÂU ĐỜI CỦA NHÂN DÂN XÃ ĐẠI THẮNG, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH XÃ ĐẠI THẮNG VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ
Lượt xem: 657
anh tin bai

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND cũ

anh tin bai

 Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND mới

NHỮNG TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ LÂU ĐỜI CỦA NHÂN DÂN XÃ ĐẠI THẮNG, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH XÃ ĐẠI THẮNG VÀ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ

               Xã Đại Thắng nằm ở phía Đông Nam huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Phía Bắc giáp xã Thành Lợi, Đông giáp Sông Đào ( bên kia sông là xã Nam Giang và Nam Dương thuộc huyện Nam Trực). Nam giáp xã Yên Phúc (Ý Yên). Tây giáp xã Liên Minh. Đỉnh cực Bắc là xóm Miễu Hoàn (xóm Đồng Hưng) của thôn Đại Đồng; Điểm cực Đông là xóm Tiên (nay thuộc thôn Hòa Tiên); Điểm cực nam là thôn làng Mới, điểm cực Tây là thôn Đống Xuyên.

          Xã Đại Thắng bao gồm chủ yếu các thôn của xã Cố Bản, Nguyệt Mại và Thi Liệu xưa.

          Xã Cố Bản xưa gọi là Kẻ Đế hay xã Cố Đế. Đời Thiệu Trị (1841- 1847) đổi là xã Cố Bản gồm 7 thôn; Thôn Thái Mỹ (Thái Thôn), Đông Mỹ (Đông Thôn), Nhất Thôn, Nhĩ Thôn, Tam Thôn, Tứ Thôn và thôn Bái Thượng.

          Xã Thi Liệu xưa gọi là xã làng Tèo, sau này đặt là xã Đô Liệu. Đời Tự Đức ( 1848-1883) đổi là xã Thi Liệu gồm thôn Bắc Hà và Trại miễn Hoàn (còn Nam Hà bên kia sông đổi là Thi Châu nay thuộc Trực Ninh).

          Xã Nguyệt Mại xưa gọi là làng Mai, sau đặt là xã Thời Mại. Đời Tự Đức ( 1848-1883) đổi là xã Nguyệt Mại gồm các thôn Nguyệt Mại, Thiện Đăng, Lạc Thiện, Tư An, Đình Hương, Đông Linh).

          Đại Thắng còn bao gồm cả Đống Xuyên và Thượng Linh, Đống Xuyên trước là một thôn của thôn Hào Kiệt tổng Hào Kiệt. Đầu thế kỷ XX biệt thôn thành xã Đống Xuyên thuộc tổng Hào Kiệt, Thượng Linh xưa là làng Riềng, trước là một thôn thuộc xã Quả Linh tổng Trình Xuyên Thượng. Đầu thế kỷ XX biệt thôn thành xã Thượng Linh thuộc Tổng Trình Xuyên Thượng.

          Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nhân dân đã trực tiếp bầu ra uỷ ban nhân dân xã: Cố Bản, Nguyệt Mại, Thi Liệu, Thiện Đăng, Đống Xuyên và Thượng Linh.

          Tháng 3 năm 1946, bầu Hội đông nhân dân xã đầu tiên sáp nhập thành các xã.

          Xã Đồng Tâm gồm Thi Liệu, Sa Trung, Đồng Mỹ ( trước đều thuộc tổng Thi Liệu, sau thuộc tổng Trình Xuyên Hạ).

 Xã Cố Bản như cũ gồm 7 thôn

 Xã Hùng Vương gồm 6 thôn của xã Nguyệt Mại. Riêng Thượng Linh thành một thôn thuộc xã Lê Lợi và Đống Xuyên thành một thôn thuộc xã Liên Minh.

          Cuối năm 1947, hợp nhất thành 2 xã Cố Bản và Đồng Tâm thành xã Đồng Tâm, đồng thời xã Hùng Vương như cũ.

          Từ sau cải cách ruộng đất (1956) xã Đồng Tâm tách thành 2 xã

          Xã Đồng Tâm gồm Thi Liệu, Sa Trung, Đông Mỹ.

          Xã Nhất Trí gồm 7 thôn thuộc Cố Bản cũ.

          Xã Hùng Vương sáp nhập thêm thôn Đống Xuyên và năm 1962 thêm thôn Thượng Linh.

          Năm 1967 lại hợp nhất 2 xã Đồng Tâm và Nhất Trí thành xã Đồng Tâm.

          Năm 1973 hợp nhất 2 xã Đồng Tâm và Hùng Vương thành xã Đại Thắng nhưng cắt thôn Sa Trung Đồng Mỹ về xã Thành Lợi.

          Ngày nay xã Đại Thắng chia thành 3 khu vực thuộc 3 HTX nông nghiệp, gồm 13 thôn, mỗi thôn là một đội sản xuất.

          - Quyết Thắng gồm; các thôn Đại Đồng. Hòa Tiên (thuộc Thi Liệu cũ) Đình Hương, Đoàn Kết, Hồng Tiến đều thuộc xã Nguyệt Mại cũ).

          - Nhất Trí gồm (làng) thôn Phong Vinh, Đồng Tiến, làng Mới và Điện Biên ( đều thuộc Cố Bản cũ).

          - Thiện Linh gồm các thôn Lạc Thiện, Đống Xuyên, Trung Linh (Đông Linh, Thượng Linh cũ sát nhập lại ), Thiện An (Thiện Đăng và Tư An cũ sáp nhập).

          Xã Đại Thắng có tổng diện tích là 1359,1ha, trong đó đất nông nghiệp là 899ha, đất chuyên dụng (các công trình công cộng, đường sá, thủy lợi, đất thổ cư, thổ canh). Đến năm 2021 sát nhập thôn xã Đại Thắng còn 13 thôn; Gồm thôn Hồng Tiến, Đoàn Kết, Đình Hương, Đại Đồng, Hòa Tiên, Phong Vinh, Đồng Tiến, Làng Mới, Điện Biên, Lạc Thiện, Đống Xuyên, Thiện An, Trung Linh.

          Địa hình xã Đại Thắng gần như vuông, lẹm về phía Tây và hơi phình về phí Đông. Đường Bắc Nam dài 4,2km, đường Đông Tây dài 4km, xã Đại Thắng nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Hồng, sát sông Đào, vốn xưa là biển. Vùng này được hình thành trong quá trình biển lùi, chủ yếu là được phù sa sông Hồng bồi đắp, đồng thời do quá trình kiên trì quai đê lấn biển hàng mấy ngàn năm của tổ tiên mà hình thành. Địa thế không thật bằng phẳng, có nhiều cồn cát, nhiều vùng trũng, đào sâu độ 3m ven sông Đào đã thấy trầm tích của sú vẹt, sò hầu của biển xưa. Địa hình xã Đại Thắng có thể chia thành 2 miền rõ rệt.

          Miền ngoài đê Đại Hà chạy dài theo sông Đào khoảng 5km, đất đai nằm trên xã Thi Liệu và Cố Bản xưa, tương đối bằng phẳng, chủ yếu do phù sa sông Hồng và sông Đào tiếp tục bồi đắp. Có bãi bồi ven sông thành cánh đồng mẫu cũ rộng 24ha, xung quanh có đê bối bao bọc, lại có gò cát cao, tiêu biểu là cồn Bùi Đài vốn xưa là gò cát biển. Đất bãi cát ven sông chỉ có độ dài 5ha, thường xuyên được phù sa bồi đắp mầu mỡ, điều nguy hiểm là bờ sông đang bị lở liên tục, nhất là vùng Miễu Hoàn và Cố Bản cũ. Cách đây gần 80 năm thôn Lác Nội (Đồng Lạc) phải di dân vào trong đê Đại Hà, thành lập lên xóm Mới (nay là thôn Làng Mới). Phía Bắc Miễn Hoàn và phía Nam Cố bản là đồng rất trũng mới được khai phá để trồng trọt.

 Miền trong đê Đại Hà, xưa hoàn toàn là đồng Chiêm trũng, tỉnh thoảng gò lên một số gò đống cao, vốn là rừng mưỡu cây cũ. Trũng nhất là khu Tư An, Lạc Thiện, cánh đồng Ba xã (Đống Xuyên) là Đồng Đầm, Đông ổ thuộc Đình Hương, Nguyệt Mại, trước đây chỉ cấy một vụ hoặc bỏ hoang, năn lác mọc đầy (Cống Lác, Rộc Tàu). Địa thế vùng này không thật bằng phẳng, xen kẽ nhiều gò đống cao, lại có nhiều làn thủng, lạch nước, đầm hồ. Cư dân các nơi về đây khai hoang, đánh cá, chăn vịt đàn, lúc đầu thường sống trên các gò đống cao, rồi dần dần đào ao vượt thổ làm nhà. Mùa nước lũ, các làng thường nổi lên như những "ốc đảo", việc đi lại giữa các làng phải dùng thuyền nan, cày ruộng cấy lúa thường phải lội nước ngang người.

Nằm trong vùng khí hậu gió mùa, nên có hai mùa khí hậu rõ rệt, liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội và sản xuất nông nghiệp. Nắng nhiều có lợi cho sự trồng trọt, nhưng cũng mưa nhiều, có năm gây lũ lụt lớn nên cũng bị thiệt hại. Dưới chế độ cũ thiên tại hàng năm là mối đe dọa thường xuyên đối với cư dân các (thôn) làng xã Đại Thắng.

Sông Đào chảy men phía Đông các làng xã Đại Thắng là ranh giới tự nhiên với 2 xã Nam Dương và Nam Giang (huyện Nam Trực). Xưa sông này chỉ là kênh lạch có tên là Kinh Lũng (hay Lũng Xuyên) chảy vào sông Đáy. Mùa nước lớn Kinh Lũng thường thông với sông Hồng, lâu dần được khai thông, mở rộng thành sông Đào, nối liền sông Hồng và sông Đáy, trở thành sông lớn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX này. Sông có lưu lượng nước lớn đượm phù sa, lòng sông sâu, mặt sông ngày càng rộng ra sau những mùa lũ lớn nước sông Hồng tràn về. Ngày nay sông Đào trở thành đường giao thông thủy quan trọng. Khoảng 4 thập kỷ cuối thế kỷ XX, lũ lụt lớn thường làm bờ sông Đào thuộc địa phận Đại Thắng lở mạnh rất ít có chỗ đất bồi, các gia đình sống ngoài đê bối phải dời vào trong đê Đại Hà.

Có sông lớn nên Đại Thắng có hệ thống đê và kè cống quan trọng. Đê Đại Hà thuộc địa phận xã Đại Thắng dài 5,8km tiếp nối với đoạn đê Thành Lợi ở phía Bắc và Yên Phúc ở phía Nam Trên đê có hai cống lớn làm từ thời Pháp thuộc là cống Voi và cống Lác. Năm 1973 Nhà nước cho mở rộng cống để lấy nước phù sa vào đồng. Nhưng đến năm 1987, tác dụng của cống không nhiều, nên đã hoành triệt cả hai cống. Đê Đại Hà là để cấp quốc gia Nhà nước quản lý. Đến nay cả hai cống khôi phục lại đê phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài đê Đại Hà còn có đê bối (sách Nam Định dư địa chí gọi là đê Tư). Đê bối được dân các (thôn) làng xã ven sông đắp trúc từ đầu đời Nguyễn nhằm bảo vệ những vùng đất bãi bồi ngày càng được khai phá rộng thêm. Để được bồi trúc liên tục, hình thành vững chãi từ năm 1954-1955, bảo vệ chủ yếu vùng Thi Liệu và Nhất Trí. Đê bối không to bằng đê Đại Hà, nhưng cũng dài tới 5,5km vòng qua cả Sa Trung, Đồng Mỹ nay thuộc Thành Lợi. Những năm 1969 và 1971, nước lũ lớn, đê bối bị vỡ nhiều đoạn, nhân dân Đại Thắng thiệt hại lớn. Hiện nay theo chủ trương của Chính phủ đê bối được chuyển thành đế quốc gia, hàng năm được đắp to, đắp cao như đê Đại Hà

Về thủy nông, trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 các (thôn) làng xã Đại Thắng hầu như không có hệ thống chỉ có một ít mương lạch thoát nước ra cống Lác và cống Voi khi có nước lớn trong đồng. Từ khi phong trào hợp tác hóa và thủy lợi hóa, hệ thống thủy nông tưới tiêu của Đại Thắng mới hình thành. Khi có cống Bồng (1965) huyện đã cho đào kênh Nam dẫn nước tưới và sông Hùng Vương để tiêu nước cho miền hạ Vụ Bản. Hệ thống tiêu chủ yếu là sông Hùng Vương chảy qua xã Đại Thắng dài tới 6,5km kể cả đoạn sông Lác. Mặt sông rộng tới 20 m, nối với sông Cống Bồng và sông Chanh để đổ nước ra sông Đào. Có hệ thống máng tiêu H6, H8, H10 và H12 được mở rộng khơi sâu dòng chảy vào sông Hùng Vương.

Hệ thống tưới có kênh N4 chạy dọc sông Hùng Vương và N43 từ Gạo qua Riềng đến Đống Xuyên, dẫn nước từ kênh Nam cống Bồng tưới cho miền trong đê. Phía để có 5 cống lấy nước qua đê, có mương dẫn từ sông Đào lên tưới và dẫn phù sa. Riêng trạm bơm điện cống Đế được nâng cấp phục vụ cho cả việc tưới và tiêu của ngoài đê. Hoàn chỉnh thủy nông kết hợp với cải tạo đồng ruộng đã mở rộng diện tích canh tác, diện tích mùa vụ tăng, hệ số sử dụng đất trồng cũng được tăng.

Kết hợp với làm thủy lợi, Đại Thắng đã tích cực đẩy mạnh làm đường giao thông nông thôn. Trước đây, đường liên thôn, liên xã, đường dong ngõ chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, mùa mưa lầy lội, ngập nước, việc đi lại rất khó khăn. Trong kháng chiến chống Mỹ, hệ thống đường có được sửa sang, nâng cấp phục vụ cho kháng chiến. Những năm gần đây, phong trào làm đường giao thông nông thôn mới được đẩy mạnh. Đường liên xã dọc theo sông Hùng Vương nối liền Thành Lợi và Vĩnh Hào, qua Đại Thắng xuống bến đò Đế đã được mở rộng, ô tô chạy thông suốt. Đường liên thôn được rải nhựa, đường dong ngõ được bê tông hóa. Sông Đào là đường thủy quan trọng, Đại Thắng có 2 bến đò bên sông là Kinh Lũng và đồ Đế.

Nhìn tổng quát, thiên nhiên có nhiều ưu đãi cho sự phát triển kinh tế của Đại Thắng. Đất rộng, đa dạng có đất bãi bồi, đất trồng màu, đất trồng lúa, bãi cỏ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu. Có đê lớn có sông rộng nhiều đầm hồ, nhiều vườn cây. Đó là điều kiện tốt để phát triển kinh tế toàn diện, ngành nghề đa dạng, tạo thành vùng nông thôn trù phú, đến nay xã Đại Thắng có các công ty về đầu tư tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động như công ty may Trần Gia, công ty may 4, công ty in.v.v. Điều kỳ thú là thế đất Đại Thắng rất đẹp, khá vuông vắn, xưa có cồn Bù Đài làm chỗ dựa, có dòng Lũng Xuyên uốn quanh, đúng là thế đất "Phong tinh dẫn mạch, thủy hà oánh vu” (I) mà các cụ xưa thường ca ngợi. Đất lành chim đậu, dẫn đến đây tụ cư lập nghiệp từ rất sớm, là lẽ tự nhiên.

Những thành tựu khảo cổ học gần đây đã chứng minh đất Vụ Bản là miền đất cổ, cách đây khoảng 4.000 năm đã có người nguyên thủy sinh sống trên các bãi ven chân dãy nút đất phía Tây huyện, từ núi Ngăm đến núi Hổ. Tiếp giáp với xã Đại Thắng là xã Liên Minh có núi Hổ mà truyền thuyết còn gắn chặt với núi Bà Đài, đã lưu tồn nhiều công cụ đồ đá mài, đồ gốm của cư dân nguyên thủy hậu kỳ đồ đá

(1) Bù Đài: Là gò đống cao do sóng biển lên xuống dồn cát bồi đắp lên, dân ven biển xưa gọi là núi Bà Đài. Trong dân gian có truyền thuyết núi Hổ trước vốn ở Bù Đài, sau mới dời lên trên Hổ Sơn. Lũng Xuyên là ngòi lạch nước bao quanh. "Phong Tinh dẫn mạch, thuỷ hà oánh vu" là khí núi thiêng dẫn mạch sông nước uốn quanh co, tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình, là một thế đất đẹp về phong thuỷ.

mới. Cạnh đó, gần Đại Thắng hơn là cánh cát làng Lương Kiệt cũng tìm được nhiều di vật đồ đá mới và đồ gốm có niên đại muộn hơn. Những làng có chữ Kẻ như Kẻ Gạo (Quả Linh), Kẻ Hầu (Hào Kiệt), Kẻ Đại (Đại Lại, Vĩnh Hào) là những làng xuất hiện từ thời Hùng Vương. Hầu như các làng đó lúc đầu đều được lập trên những bãi cát gò đống cao. Truyền thuyết về làng Cổ Đế ( và việc thờ Tam Lang (chàng Ba) con bà Âu Cơ ở đền làng là vị hoàng tử đời Hùng Vương về đây giúp dân khai phá vùng này kết hợp với truyền thuyết về núi Bù Đài, chứng tỏ dải cát từ Nhất Trí chạy dài qua Thi Liệu đến bãi Kĩa là vùng đất cao ven biển, nên có người sớm đến tụ cư đây, lập ra thôn ấp ban đầu. Làng Cố Đế đọc theo chữ nằm là Kẻ Đế chính cũng đã xuất hiện thời vua Hùng dựng nước. Vị thần khai cơ làng Thượng Linh là Trần Hinh đã sinh sống thời Hùng Vương trên đất Quả Linh, sau về quê Yên Phụ (Kinh Môn Hải Dương) đưa dân khai phá đất Ngũ Ngư lập ra làng Riềng, có hai cháu là tướng giúp vua Hùng đánh giặc, được thờ ở đền Riềng.

anh tin bai
anh tin bai

Theo ngọc phả đền Riềng thì Trần Hinh cùng vợ và người làng Giáp Sơn, Yên Phụ đến khai phá đất Ngũ Ngư làm nghề chài lưới, trồng lúa. Điều đó chứng tỏ cư dân Việt tộc đã tụ cư trên địa bàn Đại Thắng từ thời quốc gia Văn Lang của Vua Hùng, ít nhất cũng đã sớm tụ cư ở làng Cố Đế và làng Riềng (nay là Trung Linh). Dân cư lúc đầu làm nhà trên bãi cát cao, làm nghề đánh cá ven biển và đồng nước, ngòi lạch, hoặc săn bẫy chim muông dã thú trong các vườn cây rậm rạp. Họ đắp đất giữ nước khai phá đất bãi mà trồng lúa nước. Làng Cố Đế, ngoài việc thờ thần Tam Lang, còn thờ thần Đông Hải Đại Vương và Tây Hải Đại Vương là hai hoàng tử trong số 50 người

(1) Cố Đế: là Kẻ Đế, nghĩa chữ Hán "nền cũ vững chắc". Nhiều người tuổi cao ở làng cũng nói xưa kia thường gọi là Kẻ Đế

con trai theo Lạc Long Quân xuống biển, lại còn thờ thần Nam Hải Đại Vương, cũng là thần biển, coi sóc che chở cho dân đánh cá ven biển. Làng Thiện Đăng vốn là làng Đăng giỏi nghề đánh bắt cá, làng Miễn Hoàn có bãi lưới ven sông... là những dấu tích của nghề đánh bắt cá xưa.

Biển ngày càng lùi dần về phía đông, con người càng có điều kiện quai đê lấn biển, khai phá thêm đất đai canh tác. Làng Thiện Đăng vốn là một căn cứ của Triệu Quang Phục, làng Thi Liệu là chỉ huy sở hậu cần của Đô Liệu lương thảo sứ Phạm Bạch Hổ thời Đinh Lê, dân phu và quân lính của Lê Hoàn về đóng tại đây, mở mang sản xuất lúa gạo quanh vùng, khơi rộng kênh ngòi, tập hợp thuyền lập kho lương ở nhiều làng trên đất Thiên Bản, Nghĩa Hưng, Ý Yên mà trung tâm là làng Thi Liệu. Ngày nay các làng thuộc xã Nguyệt Mại, Thi Liệu vẫn còn tên các cánh đồng Đụn, cánh đồng Đồn, cánh đồng Cửa Kênh, vụng Chay... là dấu tích của những nơi tập trung kho lương, vận chuyển quân lương bằng thuyền ở thời đó. Sang đời Trần, Trưởng công chúa Thái Đường của Vua Trần Thái Tông đã về vùng Bắc Hà (Thi Liệu) chiêu dân lập ấp khai phá hàng trăm mẫu ruộng mầu mỡ ven sông, lập chợ, lập bãi lưới, bến sông, tạo thành một đại điền trang ở phía Bắc (làng Miễn Hoàn ngày nay là thôn Đại Đồng).

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

 

Các làng

anh tin bai
anh tin bai

(thôn) Lạc Thiện, Bái Thượng(nay là thôn Điện Biên), Tư An, Đống Xuyên, Đình Hương vốn xưa là những trang trại nhỏ do dân các nơi đến lập trại chăn vịt, trông đồng xa, đánh cá, bắt chim trời, vào thế kỷ XVI - XVII chuyển thành những thôn ấp, khai phá dần mà tạo dựng nên. Làng Tư An vốn xưa là trại ín của làng Thiện Đăng, dân cư tập trung trên một bãi đất

(1) Vụ Bản có 5 đền thờ Phạm Bạch Hổ (còn gọi là vua Mây hay Phạm Phòng Át), Ý Yên có 2 đền thờ và Nam Trực có 1 đền thờ ở Kinh Lũng, đều nằm gần bờ sông, xưa đều là kho lương của Phạm Bạch Hổ.

cao, khai phá ruộng trũng xung quanh. Vào cuối thế kỷ XVI, nhà Lê khôi phục đánh đuổi nhà Mạc, một số quý tộc hoàng thân Mạc về ẩn cư ở đây, mở rộng thêm trang trại mà sinh sống. Làng Lạc Thiện xưa vốn là trại vịt của dân bên kia sông Kinh Lũng sang đây chăn vịt, lâu dần ở lại khai phá, tụ cư lập ấp, lúc đầu mới là một giáp của làng Thiện Đăng. Làng Đống Xuyên vốn xưa là một trại nhỏ coi đồng xã của dân Hào Kiệt, Hổ Sơn. Tổ tiên các dòng họ ở Đống Xuyên như họ Vũ vốn là con cháu của Tiến sỹ Phạm Hùng ở Vân Bảng, Hổ Sơn, hay họ Bùi là con cháu họ Bùi làng Hào Kiệt biệt cư sang đây khai phá, lập thành ấp trại. Làng (thôn) Đình Hương, vào thế kỷ XVI - XVII một vị quan họ Vũ ở Hải Dương về hưu trí và một vị phú hào họ Đỗ ở Hương Nhi (Ý Yên ) đưa người ra đây chiêu tập canh tác, lập thành một thôn của xã Thời Mại, thường gọi là trại Mai.

Rõ ràng sự hình thành các làng xã Đại Thắng là một quá trình lao động cần cù sáng tạo từ mấy ngàn năm nay mới tạo dựng được, một quá trình quai đê lấn biển, đắp đất khoanh vùng chống úng lụt của nhiều dòng họ chung lưng đấu cật mà lập nên các làng xã như ngày nay.

Tính cộng đồng đoàn kết trong các làng xã rất cao, có truyền thống lâu đời, được thể hiện ngay trong cả chế độ ruộng đất như ruộng thần từ Phật tự, ruộng phe giáp cũng là một loại ruộng đất công.

Theo Gia Long điền bạ năm thứ 4 (1805) của làng Nguyệt Mại, thì tổng diện tích của tất cả các thôn là 918 mẫu, công điền chỉ còn 20 mẫu, nhưng ruộng thần từ Phật tự lại chiếm 118 mẫu. Số ruộng này chia cho dân cày cấy, nộp khoán cho làng theo quy định để làm lễ vào đám hàng năm, dân không phải đóng góp. Theo Đồng Khánh địa bạ năm thứ 3 (1888) của làng Thượng Linh, tư điền có 220 mẫu, công điền và ruộng thần từ Phật tự là 21 mẫu. Theo Thành Thái địa bạ năm thứ 3 (1891) của làng Thi Liệu, diện tích các loại ruộng là 632 mẫu (trong đó có 112 mẫu ở đồng Sa Trung, Đồng Mỹ) thì ruộng công có 64 mẫu (xứ Cây Mang, xứ Đồng Đồn, xứ Triều Bổng) và ruộng thần từ Phật tự là 35 mẫu (trong đó ở xứ Miễn Hoàn là 18 Mẫu) (. Làng Cố Bản cũng vậy, đều có chế độ ruộng đất công và từ điền, ruộng thần từ Phật tự, nhưng số liệu không cụ thể. Ruộng đất công là ruộng mà tổ tiên chung sức khai phá, chia nhau cày cấy. Sau đó các gia đình lớn dần lên, họ khai phá thêm ruộng đất, tạo thành ruộng đất tư. Hàng mấy trăm năm, hàng mấy đời liên tiếp, ruộng đất công dần biến thành ruộng phe giáp, thần từ Phật tự, hoặc làng bán cho dân lấy tiền để xây dựng các công trình công cộng, nên biến thành ruộng tư. Ruộng đất tư ngày càng nhiều lên ở các làng là vì thế. Ở đại điền trang Miễn Hoàn đời Trần, có chế độ "Công tư điền gián" (Ruộng công và ruộng xen kẽ nhau). Ruộng công đó chính là của trưởng công chúa Thái Đường, sau khi được miễn tội, hoàn trả lại đất, đã đem ruộng của mình ban cho dân làng làm ruộng công, trong đó có một số làm ruộng thần từ để thờ phụng Bà (2)

Việc xây dựng làng xã đã gắn bó chặt chẽ với quá trình lao động cần cù, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Quá trình này đã diễn ra liên tục hàng mấy trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mới tạo dựng được cuộc sống ngày nay.

Dân các làng lấy nghề trồng lúa nước là chính ở vùng đồng chiêm trũng này. Vụ chiêm, họ trồng các giống lúa rự lùn, tép câu, lúa nếp, lúa tám thơm. Vụ mùa cấy cưỡng một ít ré đen, dong đỏ, lúa tám, nếp hương, nhưng thu hoạch rất bấp bênh. Năng suất lúa trước đây rất thấp, mỗi sào vụ chiêm thường chỉ thu hoạch 4-5 thùng lúa, mỗi

(1) Các địa bạ này còn lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (2) Theo nội dung văn bia tại đền thờ bà Thái Đường, Trưởng công chúa của vua Trần Thái Tông tại làng Miễn Hoàn.

thùng khoảng 10kg. Ruộng hạng thượng đẳng điền cũng không quá 9-10 thùng. Các thôn xã Đại Thắng là đất ven sông, hoa quả miền này rất nhiều, phần nhiều là chuối tiêu, chuối ngự, mít, cam chanh, bưởi, nhãn, ổi, na v.v...

Dưới chế độ cũ, kinh tế mang tính cá thể, ruộng đất phần lớn nằm trong tay giai cấp địa chủ, nên việc cải tạo đồng ruộng rất vất vả. Ruộng công nhiều, nhưng hàng năm bán thành ruộng tư ngày càng lớn. Nếu chia thì phần lớn ruộng tốt về tay bọn cường hào. Người nhận ruộng làm lễ khá vất vả, nhiều năm thu không bù chi, phải vay nợ để sắm cho đủ lễ. Làm xong lệ làng, nhiều người mắc vào công nợ, thậm chí có người phải bỏ làng ra đi kiếm tiền về trả nợ.

Là những làng ven sông, thường năm nào cũng có lũ lụt, dân làng phải đi phu coi đê, đắp đê rất vất vả. Ngoài ra, còn phải tập trung khơi dòng sông, lạch nước, làm cầu cống để chống úng hạn. Lũ lụt xong phải đắp lại đường. Đời Duy Tân (1907-1916) lũ lụt mấy năm liền dân tình rất khổ. Đê bối nhiều năm vỡ dân ngoài đê phải chạy lũ vào trong đê, hết lụt lại về sửa sang nhà cửa, đê điều. Tuy gần sông nhưng không có vạn chài. Vùng Cố Bản có dăm chục vó bè cá tư nhân. đồng trũng, dân chỉ đánh bắt cá bằng đăng, lưới, đơm đó, mò cua bắt ốc lúc nông nhàn. Làng Đống Xuyên có câu ca:

 Muốn ăn cua rốc ốc nhồi

Đem con mà gả cho người Đống Xuyên.

Nghề thủ công chăn tằm dệt vải, trồng bông dệt vải phát triển mạnh ở các làng ven sông như Cố Bản, Thi Liệu, nhưng không lập thành làng nghề, dư thừa mới mang ra chợ. Đây chỉ là nghề phụ gia đình, mang tính tự cấp tự túc. Các thôn Thiện Đăng, Cố Bản, nhiều người đi buôn thuốc Nam thuốc Bắc, có nhiều thầy lang cho đơn, bốc thuốc, phát triển thành làng nghề buôn thuốc Bắc, thuốc Nam giống như dân làng Cao Phương (Liên Bảo). Gần đây phong trào trồng cây thuốc di thực phát triển mạnh ở Cố Bản. Nhiều gia đình buôn thuốc đã mở cửa hiệu lớn ở Nam Định như Hưng Tâm, Phúc Thành, Thành Lợi (Ba Chí) Phú Hậu ba bốn đời bán thuốc làm thuốc và mở cửa hiệu Phúc Thái (Vũ Văn Nga) 58 phố Lãn Ông Hà Nội.

Thời trước, kinh tế hàng hóa phát triển chậm nên các chợ tuy xuất hiện sớm nhưng không thành tụ điểm kinh tế lớn. Chợ Riềng tương truyền xuất hiện vào đầu Công Nguyên ở Thượng Linh, đã góp phần vào việc xây dựng căn cứ tụ nghĩa của Bà Lê Thị Hoa và Tướng quân Trần Phối Đạo trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Cách đây vài trăm năm, chợ không duy trì được, đã chuyển sang bên kia sông của làng Hoa Tràng, chợ Thi Liệu xuất hiện từ đời Trần, nhưng đến nay cũng không tồn tại. Cả 2 chợ vẫn còn bãi chợ, dấu tích của chợ xưa. Toàn xã chỉ còn duy trì chợ Đế, một chợ vào loại nhỏ. Chợ họp ven sông, gần bến đò, là nơi giao lưu hàng hóa, chủ yếu là nông sản trong vùng. Giao thông vận tải trên sông Đào không phát triển mạnh, nên kinh tế của Đại Thắng không phát đạt như bên bờ đối diện của huyện Nam Trực có đường tỉnh lộ 55 chạy dọc sông.

Dưới thời đế quốc phong kiến, thuế má nặng nề phục dịch vất vả, nhất là phải phục dịch đào đắp đê điều, nên dân các làng này thường phải tha phương cầu thực, nhất là nhưng năm mất mùa đói kém, nền kinh tế nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng của mình.

Nhìn chung, Đại Thắng là một xã thuần nông, nằm chạy dài dọc sông Đào, hàng ngàn năm, hết thế hệ này qua thế hệ khác đã dũng cảm, mưu lược, cần cù sáng tạo lập nghiệp, tạo dựng nên các thôn ngày nay. Tính chất đa dạng của điều kiện địa lý. Đại Thắng có tiềm năng phong phú để Đảng bộ và nhân dân Đại Thắng sáng tạo làm nên nghiệp lớn trong công cuộc đổi mới do Đảng Cộng Sản Viện Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống quý báu sáng tạo cần cù lao động dựng nghiệp của các thế hệ đi trước.

  

Cơ quan chủ quản: UBND XÃ ĐẠI THẮNG
Địa chỉ : UBND Xã Đại Thắng - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định
Email: xadaithang.vbn@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang