anh tin bai
 



image advertisement

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đền Miễn Hoàn, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 60

Đền Miễn Hoàn, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Căn cứ các tư liệu lưu giữ tại di tích, đền Miễn Hoàn (xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thờ Công chúa Thái Đường - con thứ ba của vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Lý Thuận Thiên (em của vua Trần Thánh Tông và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải).

Sau khi sinh công chúa không lâu thì Hoàng hậu Thuận Thiên qua đời. Mẹ mất sớm, vua cha lại bận việc nước, khi trưởng thành, vua Trần Thái Tông gả Công chúa cho Hầu tước Vũ Tỉnh ở Lục Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Công chúa sinh được một người con trai là Vũ Thành. Hầu tước Vũ Tỉnh qua đời, Công chúa một mình nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, thay cha cai quản miền Lục Ngạn. Được sự dạy bảo của mẹ, kế nghiệp của cha, Vũ Thành một mặt chiêu tập dân nghèo mở rộng thái ấp và đại điền trang vùng Lục Ngạn, mặt khác tổ chức đội dân binh, tích trữ lương thảo, luyện tập võ nghệ, bảo vệ an ninh vùng biên giới phía Đông Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3 (1288), đội dân binh của Vũ Thành giỏi đánh du kích nên đã lập công lớn ở trận Nội Bàng, chặn đường Thoát Hoan chốn chạy. Với công lao này, vua Trần đã phong Vũ Thành là Trung dũng hầu Đại tướng quân. Ông hy sinh năm 1288 trong trận chiến đấu ngăn chặn giặc Nguyên - Mông xâm lược tại Lục Ngạn.

Khi chồng và con mất, Công chúa Thái Đường về trông coi thái ấp cho anh là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Thiên hạ thái bình, theo Đại Việt sử ký toàn thư “năm 1266triều đình xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang”. Là người thuộc dòng dõi quý tộc, Công chúa Thái Đường đã chiêu tập dân phiêu tán cùng với gia nhân đến vùng ven sông Đào, thôn Bắc Hà, xã Đô Liệu (nay là thôn Thi Liệu, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản) khẩn hoang lập điền trang với hy vọng vừa làm ra của cải vật chất, vừa giảm bớt nỗi đau mất chồng con. Nội dung văn bia soạn khắc năm Mậu Dần, triều vua Bảo Đại 13 (1938) tại đền Miễn Hoàn có đoạn (dịch): “…Công chúa thấy vùng thôn Bắc Hà, xã Thi Liệu, đất đai phì nhiêu mà dân cư thưa thớt, nên cho gia nhân đến đó lập trại, một mặt khai khẩn ruộng đất, mặt khác chiêu tập dân cư. Chỉ trong mấy năm đã làm nên ruộng tốt trên trăm mẫu đất, dân số tăng thêm trên năm chục người…”. Công chúa còn cho phép gia nô được khai hoang để làm của riêng. Vì thế trong điền trang của bà có hiện tượng đất công và đất tư xen kẽ nhau - “công tư điền gián”. Ruộng của Công chúa Thái Đường, gia nô cày cấy và nộp tô, ruộng của gia nô tự khai hoang cho mình gọi là ruộng tư. Sau đó Công chúa mắc lỗi, bị vua phạt, tịch thu toàn bộ số đất đó sung làm ruộng công. Buồn phiền, bà bỏ điền trang đi tu ở chùa Viên Quang (sau đổi tên là chùa Nghĩa Xá), làng Hộ Xá thuộc hương Giao Thuỷ (nay thuộc xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) - một danh lam cổ tích, nơi Thiền sư Giác Hải và Thiền sư  Không Lộ từng tu hành.

Một thời gian sau, triều đình thẩm xét miễn tội cho Công chúa, ra lệnh trả lại toàn bộ ruộng đất cho bà. Cũng văn bia soạn khắc năm Bảo Đại 13 (1938) tại đền Miễn Hoàn có đoạn (dịch): “…Khi Công chúa mắc lỗi, nhà vua ra lệnh thu ruộng đất đó làm quan điền. Về sau lại có chiếu chỉ ra lệnh miễn tội hoàn đất. Công chúa bèn cho dân làm ruộng chung”. Vì vậy, đất ấy có tên là Miễn Hoàn. Công chúa lấy 36 mẫu trong số đất ấy cúng vào chùa Hộ Xá, số còn lại chia cho dân sở tại làm ruộng công để cày cấy, lấy hoa lợi sắm lễ vật phụng sự tại chùa. Cảm kích trước tấm lòng thương dân của Công chúa, nhân dân gọi số đất đó là “ruộng bà Quốc Mẫu” và cho lập đền thờ bà trên điền trang Miễn Hoàn xưa, nay là xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Qua khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu các nguồn tư liệu lưu giữ tại di tích cùng truyền thuyết địa phương thì đền Miễn Hoàn được xây dựng ngay sau khi Công chúa Thái Đường qua đời. Ngôi đền này được xây dựng ngay trên trại Miễn Hoàn nên được gọi là đền Miễn Hoàn hay đền Trại. Sau này vì địa thế nằm ngoài đê, cách xa làng nên còn được gọi là đền Ngoài, đền Chính. Dấu tích của ngôi đền cũ không còn. Ngôi đền hiện nay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Theo nội dung văn bia “Miễn Hoàn bi ký” soạn khắc năm Mậu Dần niên hiệu Bảo Đại 13 (1938) thì “ngôi đền được xây dựng trên mảnh ruộng có diện tích 8 sào, cùng với ruộng ao 9 sào 10 thước, ruộng đèn nhang 3 sao 9 thước”. Văn bia này còn cho biết thêm đền Miễn Hoàn là “ngôi đền rất linh thiêng, thờ Công chúa Thái Đường, được triều đình ban tặng sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) và sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924)”.

Hiện nay, đền Miễn Hoàn còn lưu giữ được 03 đạo sắc phong, trong đó có 01 sắc triều Lê và 02 sắc triều Nguyễn, 01 văn bia niên đại năm 1938 nói về thân thế, sự nghiệp của Công chúa Thái Đường. Như vậy, cùng với phong cách kiến trúc, các mảng chạm khắc và hệ thống di vật, cổ vật, cổ thư trên đây khẳng định đền Miễn Hoàn hiện nay được xây dựng vào thời Nguyễn.

Đền Chính thờ Công chúa Thái Đường nằm phía ngoài đê sông Đào, đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nước sông dâng cao ảnh hưởng đến việc tổ chức các nghi lễ tâm linh nên dân làng xây dựng thêm đền thờ bà tại xóm Thanh Ý, thôn Thi Liệu (gọi là đền Trong, đền bà Quốc Mẫu), cách đền Chính hiện nay khoảng gần 1km, giữa khu dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi.

Theo tư liệu và truyền miệng của các cụ cao niên, đền Trong được xây dựng vào thời vua Bảo Đại, với bố cục hình chữ “đinh”, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, bằng chất liệu gỗ lim. Ngoài công trình chính còn cả 2 nhà giải vũ, mỗi dãy 5 gian, mái lợp ngói nam. Từ sau Cách mạng tháng Tám, 2 dãy giải vũ này được sử dụng làm lớp học của xã. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với thiên tai (nước lũ sông Đào tràn vào) nên ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1989, sau trận bão lớn, ngôi đền bị đổ sập hoàn toàn. Khu đất đền được bàn giao tạm thời cho một gia đình trong thôn dựng nhà tạm để ở sau khi nhà bị bão làm đổ. Năm 2005, chính quyền và nhân dân xóm Thanh Ý, làng Thi Liệu phục dựng lại toà hậu cung; năm 2010, xây dựng toà tiền đường theo kiến trúc cũ bằng chất liệu bê tông cốt sắt.  

Với những giá trị trên, đền Miễn Hoàn, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3242/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

                                      Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

Cơ quan chủ quản: UBND XÃ ĐẠI THẮNG
Địa chỉ : UBND Xã Đại Thắng - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định
Email: xadaithang.vbn@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang