anh tin bai
 



image advertisement

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Giới thiệu tổng quan về xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Lượt xem: 106

Đại Thắng là một xã nằm ở vùng duyên giang phía Đông Nam của huyện Vụ Bản, cách thành phố Nam Định khoảng 15  km về phía bắc. Có diện tích tự nhiên là 1.398,91ha, dân số 3.197 hộ; 11.816 nhân khẩu, xã có 3 HTX SXKDDV- NN. Trụ sở Đảng ủy- HĐND- UBND nằm ở Trung tâm xã, có tuyến đường liên thôn chạy qua, có 01 chợ nông thôn là chợ Đế. UBND xã có 1 trang thông tin điện tử: “daithang.namdinh.gov.vn”, thường xuyên được Ban văn hóa thông tin cập nhật tin bài liên quan tới địa phương.

anh tin bai

Phía Tây giáp xã Liên Minh và xã Vĩnh Hào,

Phía đông giáp sông Đào bên kia sông là xã Nam Giang và xã Nam Dương của huyện Nam Trực

Phía bắc giáp xã Thành Lợi

Phía nam giáp với xã Yên Phúc của Huyện Ý Yên.

Xã có tuyến đường 485b và tuyến đường Đê Đại Hà chạy qua, từ thành phố Nam Định về huyện Ý Yên , tuyến giao thông đư­ờng thuỷ chạy qua nối liền sông Hồng và sông Đáy, trong cuộc kháng chiến chống phong kiến phương bắc cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ đều là con đường vận chuyển hàng hóa giữa hai miền Nam Bắc tỉnh cũng như chi viện cho Miền Nam nước ta. Từ vị trí địa lý thuận lợi đã tạo cho địa phương trở thành trung tâm giao thương buôn bán giữa các vùng, kinh tế xã hội phát triển, văn hoá xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

anh tin bai

Trên địa bàn xã có nhiều công ty, doanh nghiệp, đóng trên địa bàn. Về cơ sở vật chất xã có 01 Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia và 03 trường học trong đó Trường cấp II đạt chuẩn quốc gia, trường Cấp I đạt chuẩn cấp độ 2, và trường Mầm non đạt chuẩn mức độ 1 chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn và Chất lượng giáo dục của các trường những năm qua luôn nằm trong tốp dẫn đầu của huyện.

anh tin bai

Đảng bộ có tổng số 414 Đảng viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ Đảng, nhiều năm qua liên tục đạt Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh của huyện. Chính quyền địa phương luôn vững mạnh, nhận cờ thi đua xuất sắc, kinh tế - văn hóa xã hội, an ninh – quốc phòng luôn ổn định. Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ về xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm vừa qua cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã đang nỗ lực, tích cực tham gia  cuộc vận động xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội ở cộng đồng. Năm 2021 xã Đại Thắng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và thôn Trung Linh được UBND huyện công nhận khu ân cư nông thôn mới kiểu mẫu . Phát huy truyền thống, Đảng bộ và nhân dân trong xã không ngừng vươn lên trong công cuộc đổi mới của Đảng.

Đại Thắng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa làng quê

Xã Đại Thắng (Vụ Bản) có 13 thôn,  gồm: Hồng Tiến, Đoàn Kết, Đình Hương, Đại Đồng, Hòa Tiên, Phong Vinh, Đồng Tiến, Làng Mới, Điện Biên, Thiện An, Lạc Thiện, Đống Xuyên, Trung Linh. Nếu như ở nhiều địa phương trong quá trình kiến thiết, phát triển, hình ảnh cây cổ thụ, giếng nước, ao làng đang dần biến mất thì ở Đại Thắng, những “mảnh hồn quê” đó vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ. Các di tích, cây cổ thụ được khoanh vùng bảo vệ; các giếng nước được xây kè kiên cố; chợ quê được quy hoạch cải tạo, nâng cấp; xung quanh các ao làng được xây tường bao, thiết kế đường đi, lắp đặt ghế đá, đèn chiếu sáng… Những hình ảnh làng quê Việt kết hợp với những công trình hiện đại đã khiến bộ mặt nông thôn mới ở Đại Thắng văn minh mà rất gần gũi, thân quen.

 

anh tin bai

Về làng Đồng Tâm, ai cũng cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống thông qua lối sống, phong tục tập quán và trong cấu trúc làng xóm tồn tại cách đây hàng trăm năm. Từ xa xưa làng đã gìn giữ được bộ môn nghệ thuật hát chèo đặc sắc để phục vụ các hoạt động văn hóa cộng đồng. CLB hát chèo làng Đồng Tâm được tái thành lập từ những năm 2013-2014 đến nay có 18 thành viên là hội viên phụ nữ ở các xóm: Đại Đồng, Hòa Tiên. Do tập hợp được những người có năng khiếu âm nhạc ở nhiều lứa tuổi tham gia, ngoài hát chèo, CLB còn luyện tập một số bài hát văn và ca khúc cách mạng. Nhiều thành viên gạo cội đã gắn bó với CLB từ khi mới thành lập, tiêu biểu như các bà: Nguyễn Thị Nhinh, Vũ Thị Bưởi, Cao Thị Huyền, Cao Thị Hảo… Các thành viên cho biết họ đến với CLB không chỉ bởi niềm đam mê ca hát mà còn mang tâm niệm truyền dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống và giá trị nhân văn sống cho thế hệ trẻ thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình. Các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ của CLB thường diễn ra ở các nhà văn hóa thôn, thu hút đông đảo người dân và các cháu thiếu nhi đến xem. Định kỳ mỗi tuần một lần vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật, CLB lại tổ chức sinh hoạt, thảo luận về kỹ thuật hát, múa để các hội viên hiểu và ngày càng thuần thục hơn trong biểu diễn âm nhạc truyền thống. CLB thường xuyên biểu diễn vào dịp lễ hội tại các di tích: Đền làng Thi Liệu, Đền Miễn Hoàn và Quán Vũ Hầu.

Đặc trưng của loại hình nghệ thuật biểu diễn ở Đại Thắng là gắn liền với văn hóa tâm linh qua các lễ hội. Mỗi dịp lễ hội là một không gian văn hóa mà ở đó các loại hình nghệ thuật dân gian được hội tụ, trình diễn mang đậm tính cộng đồng làng xã. Tại lễ hội làng Thị Liệu (16-11 âm lịch) hàng năm đều không thể thiếu tiết mục múa tứ linh. Nghệ thuật múa tứ linh ở Đại Thắng bắt nguồn từ các xóm: Đại Đồng Hòa Tiên. Nhiều năm trước, toàn xã có hơn 10 đội múa tứ linh nhưng ngày nay xã chỉ còn thôn Đại Đồng gìn giữ, duy trì được loại hình nghệ thuật biểu diễn này. Đội lân - sư - rồng thôn Đại Đồng được thành lập từ năm 1990, đến nay có khoảng 30 người. Chia sẻ về quá trình hoạt động của đội, các thành viên cao tuổi cho biết: Sau 30 năm, đội lân - sư - rồng thôn Đại Đồng đã phát triển từ 1 đầu rồng, 1 đầu lân đến đầy đủ các con linh vật mang yếu tố tâm linh như: long, lân, quy, phượng và sư tử. Những kỹ năng biểu diễn cũng được các thành viên học hỏi từ những người đi trước và tự trau dồi kinh nghiệm của các nghệ nhân ở khắp nơi. Tất cả các đạo cụ, linh vật biểu diễn đều được các thành viên tự sáng tạo. Ngày nay, dù lịch biểu diễn của đội lân - sư - rồng không nhiều như trước nhưng đội vẫn thường xuyên được mời biểu diễn ở các lễ mừng thọ, lễ khánh thành nhà thờ họ, lễ hội Phủ Dầy và một số sự kiện văn hóa, thể thao của huyện.

anh tin bai

 Về thôn Điện Biên đúng dịp bà con vừa kết thúc thu hoạch lúa xuân, không khó để bắt gặp những cụ già ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ, các cụ ông ngồi đánh cờ tướng; trẻ em vui chơi trước sân đình, nhà văn hóa… Từ lâu, môn cờ tướng đã được nhiều người dân nơi đây yêu thích. Vào chiều muộn, những đám cờ lại vang lên tiếng cười, tiếng nói làm rộn ràng cả vùng quê. Nhiều năm nay, phong trào cờ tướng ở thôn Điện Biên phát triển mạnh không chỉ giúp người dân rèn luyện trí não, tính chiến lược và sự kiên nhẫn mà còn là hình thức giải trí của người dân sau những bộn bề công việc đồng áng. CLB cờ tướng thôn Điện Biên có hơn 40 người, thường xuyên thi đấu, giao lưu trong các lễ hội ở địa phương. Mặc dù hoạt động tự nguyện, tự túc mọi điều kiện vật chất, nhưng các hội viên trong CLB đều nhiệt tình, nghiêm túc trong sinh hoạt. CLB không chỉ là nơi để các hội viên giao lưu thoả mãn niềm đam mê cờ tướng mà còn củng cố khối đoàn kết, gắn bó cộng đồng trong cuộc sống thường ngày qua các hoạt động như thăm hỏi nhau những lúc ốm đau, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu của thành viên. CLB thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu với CLB cờ tướng ở các xã: Vĩnh Hào, Thành Lợi, Liên Bảo…

 Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, xã Đại Thắng đã đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đồng thời ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa trong các làng quê, đặc biệt là các thiết chế văn hóa cổ, các bộ môn, loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao truyền thống, phong tục tập quán địa phương. Các công trình: cổng làng, nhà văn hóa, di tích được trùng tu, tôn tạo, xây dựng có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Cả 13 thôn, xóm trong xã đều có nhà văn hóa xóm. Nhờ hoạt động của các nhà văn hóa, Đại Thắng là địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh. Xã có 2 cổng làng mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cổ truyền ở làng Thiện An và làng Trung Linh. Các cổng làng không chỉ phân chia ranh giới mà còn là biểu tượng của văn hoá truyền thống của mỗi làng trong cuộc sống hiện đại. Trong tổng số 42 đình, đền, chùa, điện, miếu, xã có 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống kết tinh trong lễ hội làng tại các di tích thể hiện ở các phong tục, nghi lễ thiêng, trang phục truyền thống, trò chơi, các hoạt động văn nghệ dân gian… Để điều chỉnh phong tục tập quán theo nếp sống văn minh, xã Đại Thắng đã hoàn thiện việc xây dựng và sửa đổi quy ước, hương ước của cả 13 thôn, xóm, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng. Các hương ước, quy ước được xây dựng theo phương châm “Lấy sức dân cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống của nhân dân”, đề cao vai trò, trách nhiệm của các thế hệ đi trước đối với việc tuyên truyền, giáo dục con cháu. Việc thực hiện hương ước, quy ước không chỉ phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức gia đình, dòng họ mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đến nay, cả 13 thôn, xóm trong xã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, tỷ lệ gia đình đạt “Gia đình văn hóa” chiếm 96,1%. 

anh tin bai
anh tin bai

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, bản sắc văn hoá làng quê ở Đại Thắng vẫn luôn được giữ gìn và là nguồn nội lực to lớn động viên, khích lệ người dân địa phương nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác
Cơ quan chủ quản: UBND XÃ ĐẠI THẮNG
Địa chỉ : UBND Xã Đại Thắng - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định
Email: xadaithang.vbn@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang